Giải Trí Mỹ Thuật Nhiếp Ảnh

Người mới bắt đầu chụp ảnh cần chuẩn bị gì

5 phút, 33 giây để đọc.

Nhiếp ảnh là một bộ môn nghệ thuật phổ biến và ngày càng được ưa chuộng. Chúng ta chụp ảnh để lưu lại những kỉ niệm với người thân yêu. Hoặc chỉ đơn thuần là thích chụp ảnh. Với một chiếc smartphone, bất kì ai cũng có thể chụp ảnh. Vậy làm sao để có một bức ảnh đẹp, đủ để so sánh với một nhiếp ảnh gia? Nếu đặt tất cả những thứ phức tạp sang một bên, thì nhiếp ảnh suy cho cùng là tạo ra những bức ảnh mà bạn yêu quý. Không quan trọng nó có đẹp không hay người khác nghĩ gì. Nhiếp ảnh không phải là về thiết bị, nhiếp ảnh là về kĩ năng chụp ảnh. Thực sự thì nhiếp ảnh được định nghĩa là “Nghệ thuật hay thực hành chụp và xử lý ảnh” – Theo định nghĩa của Từ điển Oxford.

Điều quan trọng nhất trước khi bấm máy chụp bức ảnh đầu tiên

nhiếp ảnh
Để có một tấm ảnh đẹp nhìn thì có vè đơn giản, nhưng không phải vậy

Trước khi tự sắm cho mình một thiết bị chụp ảnh, bạn nên hiểu rằng không cần phải cứ smartphone hay máy ảnh đời mới đắt tiền nhất mới cho ra những bức ảnh đẹp. Chiếc máy ảnh sẽ chỉ là dụng cụ giúp chúng ta ghi lại những khoảnh khắc. Tất cả những việc còn lại như ánh sáng, bố cục, thiết lập máy… đều hoàn toàn do người chụp quyết định.

Vậy đâu sẽ là yếu tố quan trọng nhất để trở thành một nhiếp ảnh gia xuất sắc, trong tất cả những thứ nghe có vẻ phức tạp như vậy?

Xác định mục tiêu

Việc đầu tiên trước khi đưa ra một quyết định mà chúng ta không xác định rõ nhu cầu của mình ở mức độ nào thì thật là khó mà chọn được một chiếc máy ảnh phù hợp. Muốn chọn được thiết bị phù hợp, trước hết hãy suy nghĩ và xác định thật kỹ nhu cầu của mình. Bạn cần biết nó ở mức độ nào: từ đơn thuần tới chụp ảnh nghệ thuật.

Hãy xác định được cho mình thể loại bạn muốn hướng tới. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới loại ống kính cũng như máy ảnh mà bạn sắp bỏ tiền ra mua.

Ví dụ như với thể loại ảnh phong cảnh (landscape). Điều trước tiên bạn sẽ cần một chiếc ống kính với tiêu cự rộng (cụ thể là từ 12 – 24mm) và một chiếc tripod. Hoặc với nhu cầu chụp ảnh chân dung cơ bản. Một chiếc thân máy và lens “quốc dân” 50mm f1.8 là một lựa chọn thông minh cho người bắt đầu.

Ngoài xác định thể loại ra, bạn cũng cần cân nhắc tới tài chính của bản thân. Các hãng máy ảnh hiện nay đều có các loại thân máy trải dài từ phân khúc người mới bắt đầu cho đến dân chuyên nghiệp.

Nếu không có quá nhiều tiền, bắt đầu với một chiếc máy ảnh “2hand” không phải là một lựa chọn tồi. Nên nhớ rằng bạn là lính mới. Vì vậy, bạn nên bắt đầu tích lũy kiến thức cơ bản và kinh nghiệm. Chứ không phải cố sắm cho mình một chiếc máy ảnh và ống kính xịn nhất mức có thể.

Các thông số cơ bản

máy ảnh
Một chiếc máy ảnh có thể có đến 50 tính năng

Có rất nhiều thuật ngữ miêu tả các tính năng và công dụng của các bộ phận khác nhau trên máy ảnh. Nếu không tìm hiểu kĩ, bạn sẽ dễ bị bối rối và hay gặp trường hợp không biết tính năng này để làm gì. Hay muốn chỉnh thông số này thì nó nằm ở đâu…

Tam giác phơi sáng

Có 3 thông số quyết định trực tiếp tới ánh sáng của một bức ảnh. Đó là: tốc độ màn trập (shutter speed), khẩu độ ống kính (aputure) và chỉ số nhạy sáng (ISO).

Khi chụp ảnh, điều bạn cần làm là điều chỉnh ba thông số này sao cho phù hợp nhất với ý đồ của mình. Ba thông số này đều là những “con dao hai lưỡi”. Nếu bạn bất cẩn tăng hay giảm quá mức một chút, bức ảnh có thể hỏng hoàn toàn.

Ví dụ nếu tăng ISO lên quá cao, ảnh sẽ sáng nhưng bù lại sẽ có nhiều hạt sạn (grain) gây ra hiện tượng nhiễu hình. Khi đó tấm hình trông sẽ rất kém chất lượng. Hoặc nếu mở khẩu độ ống kính quá lớn, ảnh sẽ sáng nhưng bù lại sẽ làm giảm độ sâu trường ảnh…

Làm chủ 3 thông số trên, bạn đã đi được 50% quãng đường cho ra một bức ảnh đúng kì vọng. Vậy còn 50% kia thì sao?

Sự kiên nhẫn

Bất cứ môn nghệ thuật nào cũng yêu cầu rất nhiều ý chí và thời gian luyện tập. Hấp tấp và muốn mình chụp đẹp ngay là điều không thể. Điều cần làm bây giờ là hãy “xách máy lên và đi”. Hãy ra đường và chụp lại tất cả những gì bạn thích. Qua một thời gian, bạn sẽ tự rút ra được cho mình những kinh nghiệm cần thiết để có thể cải thiện kĩ năng chụp của mình.

Và đừng ngần ngại nếu những bức ảnh đầu tiên chưa được đẹp. Hay thi thoảng còn bị cháy sáng, bố cục sai. Nên nhớ rằng ai cũng có những bước tập tễnh đầu tiên. Có thể đứng lên từ những cú vấp ngã mới là điều quan trọng.

Luôn thử những thứ mới

Đây có thể là một điều ai cũng biết nhưng không phải tất cả đều làm. Nếu cứ tập trung mãi vào một góc ảnh, hay một khung cảnh quen thuộc có lẽ sẽ dễ nhàm chán. Đôi khi không cần phải đi khắp nơi để tìm cảnh đẹp.

nhiếp ảnh
Đôi khi bức ảnh đẹp đến từ những khoảnh khắc thân thuộc nhất

Hãy thử nhìn xung quanh và chụp những thứ đơn giản nhất. Chẳng hạn như mẹ đang làm bếp, hay chú chó nhà bạn. Một bức ảnh đẹp có thể bắt nguồn từ bất kỳ đâu. Cảm hứng nghệ thuật có thể đơn giản và không hề cầu kỳ. Chỉ cần nắm chắc những điều cơ bản và đừng bỏ quên bất cứ khoảnh khắc đẹp nào bạn nhé!

Nguồn: kenh14.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *