Món phở Việt được coi là một trong những món ăn đặc sản khi nhắc tới ẩm thực Việt Nam. Có thể nói, món ăn này chính là biểu tượng một nền văn hóa, được rất nhiều bạn bè bốn phương biết đến mỗi khi nhắc tới món ngon đất Việt.
Ngày nay, không còn lạ lẫm khi hình ảnh những bát phở Việt xuất hiện trên sóng truyền hình nước ngoài, hay các cửa hàng phở gia truyền tại nhiều nước trên thế giới!
Sự đa dạng các món về phở cũng ngày càng nhiều! Mỗi loại lại có nguồn gốc, hương vị hay hình thức khác nhau mang theo đặc trưng từ mối vùng! Vậy bạn đã hoàn toàn biết đến hương vị, nguồn gốc của 6 loại phở truyền thống này? Cùng tìm hiểu rõ hơn trong bài viết sau để không bỏ lỡ món ăn cổ truyền Việt Nam nhé!
Đôi nét về sự “nổi tiếng” của món phở Việt Nam
Bạn có biết rằng, món Phở từng được đưa vào danh sách “Top 100 món ăn, đặc sản tiêu biểu của Việt Nam” và “Top 50 món ăn ngon nhất thế giới”? Vâng, chính xác là nó đã từng “nổi tiếng” như vậy đó!
Phở với thành phần chính gồm bánh phở, nước dùng, thịt và rau được du khách quốc tế đến Việt Nam dành nhiều lời khen. Bí quyết của bát phở ngon là ở vị nước dùng được ninh nấu kỳ công. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận phở của Hà Nội thuộc top 100 đặc sản tiêu biểu. Phở cũng được đưa vào danh sách 50 món ăn ngon nhất thế giới do trang thông tin uy tín CNN bình chọn.
Top 6 loại phở nổi tiếng của Việt Nam
Phở Cuốn Hà Nội
Phở cuốn xuất hiện lần đầu tiên tại một quán ăn ở ngã tư phố Ngũ Xã và đường Nguyễn Khắc Hiếu ở Hà Nội. Bánh phở mỏng, khổ vuông, được người chế biến dùng để cuộn thịt bò tái, rau, trứng, đồ chua. Khi ăn, bạn chấm ngập phở cuốn trong nước mắm pha để cảm nhận vị cay nồng, thanh mát hòa quyện.
Phở bò Nam Định
Phở bò Nam Định được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đưa vào danh sách 100 đặc sản tiêu biểu của nước ta. Bánh phở Nam Định sợi nhỏ mềm, nước dùng thơm, ngọt tự nhiên với bí kíp riêng của từng gia đình. Thịt bò được thái mỏng, nhúng rồi vớt ra ngay.Nhờ đó có thể giữ được độ tươi ngon và chất dinh dưỡng.
Phở chua từ miền núi phía Bắc
Phở chua là đặc sản ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang… Món ăn sở hữu hương vị thanh mát này được thực khách ưa chuộng thưởng thức trong mùa hè. Điểm nhấn là nước sốt màu nâu vàng, sền sệt, mang đến vị chua dịu nhẹ. Mỗi phần ăn gồm bánh phở, dưa leo, đu đủ chua, rau, thịt ăn kèm thường là vịt, lợn quay, lạp xưởng rán..
Phở khô Gia Lai
Phở khô Gia Lai còn được biết đến với tên “phở 2 tô”. Một tô đựng sợi phở dai dai, rắc thêm thịt băm, hành phi, tóp mỡ… Tô kia đựng nước dùng ngọt thanh, ấm nóng, có thịt bò tái, bò viên, xương… Khi thưởng thức, thực khách có thể thêm xì dầu, tương đen, tương ớt tùy khẩu vị.
Phở chiên phồng
Món phở chiên phồng có vị ngon ấn tượng, vừa ngọt mềm lại giòn tan. Người chế biến cắt bánh phở thành khối vuông dày khoảng 1 cm, rồi đem chiên đến khi phồng to và giòn rụm. Món ăn dùng kèm thịt bò xào rau cải, chấm cùng nước mắm chua ngọt để giải ngấy.
Phở sắn Quảng Nam
Phở sắn là món nổi tiếng của vùng đất Quế Sơn (Quảng Nam). Bánh phở sắn màu trắng đục, có dạng lưới độc đáo. Trước khi ăn, bạn cần ngâm sợi phở qua nước lạnh, để ráo, rồi chan nước nhưn (nhân) nấu với cá như cá nục, cá ngừ, cá lóc… Rau thơm, thân chuối non xắt mỏng cũng được kết hợp tạo vị ngon dân dã.
>> Xem thêm thông tin về Du lịch Việt Nam tại đây.
Nguồn: zingnews.vn